NHẬN
THỨC VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ CƠ HỘI CỦA ĐẤT NƯỚC TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI
Việt Nam là một trong
những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về
Chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về
chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là
điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ
hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ
hạng.
Cách đây hơn 20 năm, khi
lần đầu tiên kết nối Internet, Việt Nam đã đặt những “dấu chân” đầu tiên trên
một miền không gian hoàn toàn mới - không gian mạng. Kể từ đó đến nay, Việt Nam
đã đi được một hành trình dài trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của
đất nước. Chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực
lên không gian số, cho phép đưa toàn bộ hoạt động lên không gian số. Cuộc dịch
chuyển này diễn ra với tốc độ nhanh chóng theo ba trụ cột: Chính phủ số, kinh
tế số và xã hội số. Giống như khai phá những vùng đất mới, không gian mạng được
mở rộng sẽ tạo dư địa và mở ra không gian phát triển mới cho đất
nước.
Chuyển đổi số tác động
sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã
hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh
theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc
gia. Chuyển đổi số giáo dục sẽ đổi mới cách thức giảng - dạy truyền thống
hướng tới phổ cập hoá và cá nhân hoá dịch vụ học tập suốt đời tới từng người
học. Chuyển đổi số y tế sẽ cho phép người dân, thông qua các nền tảng số tiếp
cận với dịch vụ y tế tốt nhất 24/7 từ những bác sĩ giỏi nhất, giải quyết vấn đề
giảm tải cho các cơ sở y tế. Còn có rất nhiều ví dụ khác về các ngành, lĩnh vực
có tiềm năng chuyển đổi số. Chuyển đổi số không phải là cuộc cách
mạng của công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước
một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: công
nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Chỉ có đổi mới sáng tạo, Việt
Nam mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Ở cấp độ quốc gia, chuyển
đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp
độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh
tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi
số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do
vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống
chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương. Chuyển
đổi số còn là cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công
khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi
số mang lại. Chuyển đổi số mang trong mình sứ mệnh lớn lao, đó là phổ cập và cá
nhân hoá các dịch vụ (như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, …) tới từng người dân
để phục vụ người dân tốt hơn. Chuyển đổi số tạo ra cơ hội cho người dân ở
vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công
bằng, bình đẳng và nhân văn rộng khắp “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Năm 2020 được xác định là
năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi
số được thay đổi đột biến. Năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là
giai đoạn tăng tốc với những hành động triển khai cụ thể theo từng
ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện
đất nước, đặt ra các mục tiêu: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính
phủ điện tử, kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối
thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu
thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau. Để đạt được mục tiêu đó, cần có quyết
tâm và đột phá với cách làm mới, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn.
Phát huy nội lực là cách
làm của Việt Nam. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một dân tộc không tự
lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng độc lập”.
Trong thời đại số, khi không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược thứ
năm, chuyển đổi số đặt ra yêu cầu cấp bách về việc tự chủ trên không gian mạng,
di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cho
quá trình chuyển đổi số của Việt Nam: làm chủ hạ tầng số, làm chủ các nền
tảng số, từ đó làm chủ không gian mạng quốc gia dựa trên các sản phẩm “Make in
Viet Nam”.